Logistics tại Việt Nam còn nhiều cơ hội để vươn xa

Logistics tại Việt Nam còn nhiều cơ hội để vươn xa
Ngày đăng: 8 tháng trước

    Thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng cao

    Năm 2023, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi sau Đại dịch Covid-19, tuy nhiên tốc độ phục hồi chậm do nhiều yếu tố phức tạp đan xen cộng với các rủi ro địa chính trị khó lường, làm nền kinh tế toàn cầu đối diện với nguy cơ suy thoái. Nhu cầu yếu, chi phí tăng kéo lùi hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thương mại.

    Việc Hoa Kỳ liên tục tăng lãi suất có tác động tiêu cực đến tỷ giá USD, lạm phát toàn cầu, giá cả năng lượng, thực phẩm thiết yếu biến động mạnh. Lãi suất đồng USD cao cùng với sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn cũng gây ảnh hưởng đến sự dịch chuyển của dòng vốn FDI và kéo theo sự thay đổi lớn trong chính sách tài chính tiền tệ của các nền kinh tế lớn trên thế giới.

    Tất cả các yếu tố trên đều có ảnh hưởng đến sự phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam. Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023, song ngành logistics vẫn nỗ lực không ngừng để lấy lại đà tăng trưởng.

    Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận, năm 2023, Việt Nam đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics; đứng ở vị trí 43 về chỉ số hiệu quả logistics (LPI). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam thuộc nhóm 5 nước đứng đầu cùng với Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan.

    van chuyen bac nam

    Còn theo Bảng xếp hạng về chỉ số thị trường mới nổi của Agility - nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu thế giới, Việt Nam hiện thuộc Top 10/50 thị trường logistics mới nổi trên toàn cầu. Riêng về tiêu chí cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng thứ 4 và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Điều này tiếp tục khẳng định, dư địa phát triển của ngành logistics rất lớn, vấn đề chỉ là môi trường và chính sách nào sẽ được tập trung thúc đẩy trong tương lai.

    Mặc dù lĩnh vực logistics của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và đạt các kết quả tích cực nhưng lĩnh vực này vẫn tồn tại những hạn chế và thách thức.Cụ thể về khung khổ pháp lý với ngành logistics đã có nhiều văn bản được ban hành, song các chính sách cụ thể, chi tiết hóa các chủ trương đó vẫn chưa được thực hiện hoặc còn chồng chéo. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics chưa đồng bộ, tạo hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn.

    Đồng thời, Việt Nam cũng còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất....Những điều này đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho việc phát triển ngành logistics Việt Nam trong tương lai.

    Định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam

    Năm 2024, dự báo nền kinh tế thế giới sẽ từng bước phục hồi, dù tốc độ còn chậm. Ngay trong những tháng cuối năm 2023, quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam đang tăng trở lại. Đây là tín hiệu lạc quan, là cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics nước ta tìm lại đơn hàng, phục hồi kinh doanh.

    Nhận định về thị trường logistics năm 2024, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho rằng, tình trạng cạnh tranh để có được đơn hàng trong ngành logistics trở nên gay gắt hơn. Ngoài sức ép cạnh tranh về dịch vụ thì các tiêu chuẩn mới của quốc tế và trong nước về môi trường, an toàn giao thông, an toàn lao động cũng đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics trước yêu cầu phải đổi mới mình trong guồng quay của nền kinh tế thị trường.

    Cơ sở hạ tầng logistics ở nước ta còn phân bố rời rạc, thiếu đồng bộ cũng là những nút thắt của hoạt động logistics, vận tải hàng hóa. (Ảnh: congthuong.vn)
    Cơ sở hạ tầng logistics ở nước ta còn phân bố rời rạc, thiếu đồng bộ cũng là những nút thắt của hoạt động logistics, vận tải hàng hóa. (Ảnh: congthuong.vn)

    Đối với các doanh nghiệp logistics toàn cầu ngoài dịch vụ yêu cầu tiêu chuẩn khí thải, đòi hỏi doanh nghiệp logistics phải chủ động đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng “xanh hóa”, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp logistics và các hiệp hội ngành hàng, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh…

    Để ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.

    Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương triển khai thực hiện quy hoạch giao thông đảm bảo kết nối hiệu quả với quy hoạch trung tâm logistics trên địa bàn cả nước.

    Bên cạnh đó, Bộ Công Thương khuyến khích doanh nghiệp triển khai vận chuyển đa phương thức nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí logistics; chủ động rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa; cập nhật hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn thống nhất với các tổ chức quốc tế về logistics.

    Cũng theo Bộ trưởng, Bộ sẽ cập nhật tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa và vấn đề liên quan khác nhằm khuyến cáo tới địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để chủ động phương án, hạn chế tình trạng ùn ứ cục bộ tại cảng biển, cửa khẩu. Bộ cũng đẩy mạnh xúc tiến phát triển thị trường, kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; phát huy vai trò của Diễn đàn logistics Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững.

    Liên quan đến vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho hay, thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics; thu hút đầu tư các trung tâm logistics quy mô lớn, tập trung, theo vùng giúp lưu trữ, bảo quản hàng hóa trong thời gian dài từ đó phân luồng phân phối đi các nơi.

    Để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics các cơ quan liên quan phối hợp xác định chính xác nhu cầu lao động và xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics...

    “Tuy nhiên, để đạt mục tiêu cắt giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành dịch vụ logistics Việt Nam còn nhiều việc phải làm", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline